Mặc dù tên của doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm MWG sẽ mua cổ phần chưa được công bố, nhưng theo khẳng định của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ là Phúc An Khang

Thế giới di động mua lại chuỗi cửa hàng dược phẩm Phúc An Khang?
Thế giới di động mua lại chuỗi cửa hàng dược phẩm Phúc An Khang?

Được biết, hiện MWG đang hoàn tất đàm phán mua cổ phần một công ty bán lẻ dược phẩm. Gần đây, MWG cũng đã thông báo tuyển dụng dược sĩ và cho thấy khả năng mở 50-60 cửa hàng bán lẻ thuốc vào cuối năm 2018.

Mặc dù tên của doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm MWG sẽ mua cổ phần chưa được công bố, nhưng theo khẳng định của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ là Phúc An Khang, một chuỗi bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP.HCM với khoảng 20 cửa hàng, được thành lập từ năm 2006.

Bên cạnh các ngành kinh doanh đã đi vào ổn định, từ đầu năm đến nay công ty đã mở thêm 171 cửa hàng bách hóa mới, nâng tổng số cửa hàng bách hóa lên 217 cửa hàng, tăng 470% so với cùng kỳ.

Các cửa hàng bách hóa của MWG hiện cho doanh thu bình quân 1,1 tỷ đồng, với 20.000 – 25.000 lượt khách mỗi tháng. Mỗi cửa hàng bình quân hàng tháng cho tiêu thụ khoảng 100 kg thịt lợn và cá, khoảng 350 kg rau quả và trái cây tươi, lần lượt tăng gấp 3 lần và 2,5 lần so với năm ngoái. Doanh thu từ hàng tươi sống hiện đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu.

MWG gần như đã hoàn thiện xây dựng chuỗi phân phối trực tiếp từ nhà máy/nông trại đến siêu thị. Mỗi ngày, hàng tươi sống gồm thịt lợn, thịt bò, cá, rau quả và trái cây được đưa đến trung tâm phân phối vào khoảng 3-4 giờ sáng. Sau đó những sản phẩm này sẽ được phân loại và vận chuyển đến các cửa hàng vào khoảng 5 giờ sáng trước giờ mở cửa bán hàng.

Đối với các loại hàng khô, nước giải khát, vật dụng gia đình và các sản phẩm khác, phần lớn được MWG mua trực tiếp từ các nhà sản xuất, tập trung ở trung tâm phân phối và sau đó được vận chuyển đến các cửa hàng hai lần mỗi tuần. Từ nhà máy/nông trại đến trung tâm phân phối, hàng hóa được vận chuyển bởi người bán. Trong khi đó, đối với khâu vận chuyển cuối cùng từ trung tâm phân phối đến các cửa hàng, 70% công việc được MWG hợp đồng với bên thứ ba do chi phí này thấp hơn việc sở hữu đội xe và lái xe vận chuyển riêng.

Trong khi đó, chuỗi Bách hóa Xanh của MWG đã đạt đến điểm hòa vốn với tỷ suất lợi nhuận gộp hiện tăng 10% vào thời điểm cuối năm 2016 lên khoảng 14%. Việc thử nghiệm hoạt động hậu cần cho thấy tính khả thi khi nhân rộng chuỗi ra các quận khác tại TP.HCM. Trong năm 2018, MWG đạt kế hoạch mở 30-50 cửa hàng Bách hóa xanh mới mỗi tháng, với mục tiêu đến cuối năm mở được 1.000 cửa hàng, nhiều hơn gấp 3 lần so với số lượng cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2017.

Theo Hiền Anh/Infonet

4.5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *